Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

ngày 28 - 10 Thánh Simon và Giuđa, tông đồ

Thứ sáu - 28/10/2016 02:49

SI-MÔN, VỊ TÔNG ĐỒ NHIỆT THÀNH
(Mt 10,4)
Những văn sĩ ngày nay khi viết về thời vàng son của mình thường nhắc nhở đến nhóm thân hữu với một niềm rung cảm, khiến cho ta biết từng người bạn một, biết tên tuổi, tính tình và sự liên kết của họ với nhau.
Những tác giả của Phúc Âm không làm như thế, và một đôi khi có thể quên hẳn một số Tông Đồ bạn. Đó là trường hợp Si-môn, số 11 trong danh sách. Trong danh sách này có hai ông Si-môn. Người đầu tiên là Si-môn Phê-rô, làm nghề chài lưới, người được Chúa đặt làm nền tảng Giáo Hội, mọi người đều biết rõ.Người thứ nhì mang số 11, trước có Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, ông được gọi là Si-môn người Ca-na-an. 
Si-môn Phê-rô càng nổi danh bao nhiêu thì Si-môn người Ca-na-an càng lu mờ bấy nhiêu. Dù sao ta cũng cố gắng tìm ra một vài điểm về ông Si-môn này.
Si-môn Ca-na-an có thể là người xuất thân từ vùng Ca-na-an, nhưng Mát-thêu không cho ta biết rõ gì thêm. Ta thử tìm trong Phúc Âm của Mác-cô và Lu-ca xem sao. 
Mác-cô gọi ông là Si-môn Nhiệt Thành ( Le Zélé ), còn Lu-ca gọi ông là Si-môn thuộc Nhóm Quá Khích ( Si-môn le Zélote ). Điều này có thể là vì Si-môn thuộc Nhóm Dê-lốt ( Zélote ), một đảng phái chính trị. Họ là những người ái quốc cuồng nhiệt, họ là một nhóm người Do-thái tin tưởng ở sự độc lập của Ít-ra-en và không hợp tác với Rô-ma. Phái này xuất hiện chừng 20 năm trước khi Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng và tíếp tục phát triển sau khi Chúa Giê-su chịu chết. Họ ảnh hưởng đến độ có sử gia đã cho rằng họ dính líu trong vụ Rô-ma cho tàn phá Giê-ru-sa-lem. Họ đã làm cho Giê-ru-sa-lem chống lại Rô-ma khoảng 40 năm sau khi Chúa sống lại. 
Si-môn là một đảng viên của đảng này. Ông là một đảng viên chính trị trước khi trở nên Tông Đồ của Chúa. Trước đó, ông thuộc về nhóm người chiến đấu cho tự do độc lập, những người ái quốc sẵn sàng hy sinh cho Ít-ra-en.
Thế giới chúng ta hiện nghe nói nhiều đến những người ấy. Không kể những nước đã được những người ấy giải phóng, còn phải kể đến bao nhiêu nước của thế giới thứ ba có mặt trận giải phóng dân tộc, ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Họ là những người “Do-thái" nhiệt thành vì “Do-thái", chỉ muốn có một điều duy nhất là có được Độc Lập và Tự Do trên đất nước của họ.
Đó là điều duy nhất chúng ta biết về Si-môn. Phúc Âm chỉ cho chúng ta biết có thế. Tuy nhiên, ta vẫn cố tìm lại nhân vật Si-môn cùng với cá tính của ông.
Si-môn chọn theo Chúa Giê-su vì sao ?
Ông biết Chúa trong trường hợp nào ? Ta không được biết...
Nhưng vì sao ông lại theo Chúa Giê-su ?
Có thể là nhóm Dê-lốt ( Zélote ) cần một nhà lãnh đạo
Và Đức Giê-su sẽ là một lãnh tụ sáng suốt...
Có thể Si-môn đã nghe Chúa Giê-su rao giảng, thấy Người làm phép lạ đến nỗi mọi người tin rằng Giê-su là Đấng Thiên Sai. Mà Đấng Thiên Sai là Đấng đến giải phóng dân Ít-ra-en, Đấng Mê-si-a sẽ đem độc lập đến cho dân tộc Do-thái...
Si-môn không phải là người duy nhất nghĩ như thế,
Dân chúng cũng đã hơn một lần chọn Đức Giê-su làm Vua.
Ngày Người tiến vào Giê-ru-sa-lem, 
họ đã đón Người như một vị anh hùng.
họ chờ đợi một cuộc cách mạng đánh đuổi đế quốc Rô-ma...
Ngay các Tông Đồ khác cũng chờ đợi điều ấy.
Mãi sau này, sau khi Chúa sống lại, các Tông Đồ còn hỏi Người: "Lạy Chúa, có phải chăng bây giờ là lúc Ngài khôi phục lại vương quyền cho Ít-ra-en ?" ( Cv 1, 6 )
Như vậy, Si-môn chọn Chúa với một niềm hy vọng, 
chọn Chúa với một chiến thắng quân sự
và sự giành lại độc lập cho Ít-ra-en.
Nhưng nếu Si-môn chọn Chúa Giê-su là một điều dễ hiểu,
Thì, Chúa Giê-su chọn Si-môn quả là một điều lạ lùng !
Chúa Giê-su có thể chọn 12 người giữa bao kẻ đi theo Người,
Vì sao Chúa lại chọn Si-môn Nhiệt Thành ?
Vì sao Chúa lại chọn người yêu nước cuồng nhiệt này ?
Vì sao Chúa lại chọn một người chỉ biết quyết thắng quân xâm lăng ?
Mục đích của Chúa và của Si-môn khác biệt làm sao !
Si-môn mong một cuộc Cách mạng đánh đuổi Rô-ma,
Giê-su lại dạy: "Hãy trả cho Xê-da những gì của Xê-da" ( Mt 22, 21 )
mà không hề nói đến sự kháng cự...
Si-môn chỉ nghĩ đến một điều:
đó là sức mạnh của gươm giáo, của súng đạn, của vũ khí,
Còn Đức Giê-su thì nói với các Tông Đồ:
"Ai dùng gươm thì sẽ bị hại vì gươm" ( Mt 26, 52 )
Mục đích của hai người khác hẳn nhau.
Vậy, tại sao Chúa lại chọn Si-môn ?
Vả lại, chọn một đảng viên Dê-lốt là một việc liều lĩnh,
Dù cho Si-môn có rời đảng thì chọn ông vẫn là một điều liều lĩnh,
Vì người ta vẫn có thể nghi ngờ Đức Giê-su mà cật vấn: "Này, trong số thân hữu của ông có một người đảng Dê-lốt có ý định đánh đuổi người Rô-ma đấy phải không ?"
Vâng, chọn Si-môn là một việc đánh liều,
Và đương nhiên, chọn mỗi một chúng ta,
đối với Đức Giê-su, cũng là một hành động liều lĩnh.
Ta thử tìm một nguyên do...
Sau đây là một nguyên do:
Đức Giê-su muốn có nhiều sắc thái trong cộng đoàn của Người. Không phải người nào trong nhóm cũng là một người có thế giá, một người có học, có địa vị, có tài năng... Người đã chọn 12 Tông Đồ với những đặc thù khác nhau.
Ta thử so sánh Si-môn với Mát-thêu:
Si-môn, đảng viên Dê-lốt, chủ trương đánh đuổi ách đô hộ Rô-ma,
Mát-thêu, người thu thuế, thoải mái trong việc hợp tác với Rô-ma.
Si-môn, người ái quốc,
Mát-thêu, dưới mắt mọi người, là kẻ phản quốc.
Bạn có thể tưởng tượng đuợc việc tồn tại đồng thời hai thái cực này trong cùng một nhóm không ? Nhưng, đó là Giáo Hội: Giáo Hội chứa đầy những khác biệt, những chi thể dối nghịch như tay mặt với tay trái.
Nhưng, còn một lý do khác, và đây là lý do chính:
Si-môn Dê-lốt cũng có nghĩa là Si-môn Nhiệt Thành.
Vâng, Si-môn là một người hăng say nóng bỏng,
một người đam mê theo đuổi mục đích dù có phải hy sinh đi nữa.
Đức Giê-su muốn ông cộng tác cho Nước Trời,
Đức Giê-su muốn sự nhiệt thành này dấy lên trong các Tông Đồ.
Nếu như hăng say nhiệt thành được đặt đúng hướng,
Si-môn sẽ trở thành một người chiến đấu cho tự do mãnh liệt.
Và Chúa quyết định chọn Si-môn: một chiến sĩ bất khuất...
Nếu Giáo Hội chúng ta có bị mang tiếng là già cỗi, chẳng qua là vì niềm hăng say của từng tín đồ qua bao nhiêu năm đã vơi cạn. Chính điều đó đã khiến cho Gio-an đã viết cho một cộng đoàn đầu tiên: "Ta trách ngươi điều này: là ngươi đã bỏ mất lòng mến thuở ban đầu" ( Kh 2, 4 )
Và, thế là Si-môn theo Đức Giê-su để, ngày lại qua ngày, con người của ông đổi mới dần dần. Cao vọng chiến tranh của ông trở thành cao vọng hòa bình, mục đích của Thầy trở thành mục đích ông nhắm tới. 
Ông đã nghe Thầy nói: "Thầy đến không phải để đem an bình mà để đem gươm giáo." ( Mt 10, 34 ). Quả thật, nếu như có một câu Lời Chúa nào làm Si-môn phấn khởi thì chính là câu này. Lý do vì đấy chính là châm ngôn của đảng Dê-lốt: "Không phải bình an mà là gươm giáo"... 
Nhưng rồi, càng theo Chúa, 
Si-môn càng hiểu ý nghĩa lời Người . 
Phúc Âm không thể đến trong an bình.
Thế gian là bóng tối mà Đức Ki-tô là ánh sáng.
Ánh sáng và bóng tối luôn mâu thuẫn nhau, 
đó quả là gươm giáo...
Lời Chúa là gươm giáo vì gây ra sự chia rẽ: "Ta đến để đem chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng và kẻ thù của người ta là những người nhà của mình..." ( Mt 10, 35 – 36 )
Chính Si-môn có lẽ cũng đã có kinh nghiệm này.
Nhất là, nếu cha của ông là một người ủng hộ kháng chiến,
Nếu anh em của ông là một người đã đi kháng chiến,
Nếu họ còn ở trong đảng Dê-lốt,
mà ông lại bỏ hàng ngũ để theo Giê-su
thì cả nhà ông sẽ chống lại ông...
Bạn bè ông tin tưởng ở lưỡi gươm bằng thép,
còn ông, ông lại tin ở thanh gươm chân lý.
Si-môn đã đổi mới,
Si-môn đã cho rằng mình thăng tiến,
còn những người thân thích lại cho rằng ông sa sút...
Và Si-môn, người nhiệt thành với đất nước Ít-ra-en,
giờ đây trở nên nhiệt thành với Nước Trời.
Si-môn thấy rằng:
Đức Giê-su không hề có một đường lối chính trị,
không hề có một chương trình cải cách kinh tế,
không hề làm một cuộc cách mạng.
Và lòng nhiệt thành của Si-môn vì thế lại càng thăng tiến.
Si-môn nhiệt thành cho sự hòa bình của Đức Ki-tô,
nhiệt thành với Thầy, 
Đấng chăn chiên hy sinh mạng sống cho đàn chiên...
Chúa Giê-su đã nâng Si-môn lên.
Trước đây, Si-môn chỉ thấy có đất nước của dân tộc mình,
Bây giờ, Si-môn được nâng lên để thấy Nước của toàn thế giới.
Si-môn đã được nâng lên từ tình yêu Tổ quốc, 
tình yêu đồng bào... thành 
tình yêu thương mọi người...
Đức Giê-su nâng Si-môn lên bằng thập giá của Người
thập giá mà Người đã chiến thắng thế gian, và,
thập giá đã hun đốt lòng nhiệt thành của Si-môn,
đến độ chính ông, ông cũng phải hy sinh mạng sống mình 
cho một quốc gia không biên giới...
Truyền thuyết cho rằng Si-môn đã chịu chết trên thập giá.
Si-môn Dê-lốt – Si-môn Nhiệt Thành: 
chỉ có một chữ để mô tả ông,
một người quả quyết, hăng say, dám nghĩ, dám làm,
một người nóng bỏng nhất trong các Tông Đồ.
Chúa Giê-su đã sử dụng một con người như thế,
Người cũng muốn đánh liều khi chọn chúng ta hôm nay.
"Ai không vác Thánh Giá mình mà theo Thầy, kẻ ấy không xứng với Thầy..." ( Mt 10, 38 )
Chắc hẳn Si-môn rất thích câu nói ấy,
Câu ấy đã thúc giục ông, lay chuyển ông,
Và ông sẵn sàng phó mạng sống mình cho Đức Ki-tô,
Phó mạng sống mình một cách vui tươi
một cách hăng say, một cách nhiệt thành...
Còn chúng ta thì sao ? Còn bạn và tôi thì sao ?
Đức Giê-su, Người có thúc giục và lay chuyển đủ 
để chúng ta đi vào hành động 
như một Si-môn Nhiệt Thành hay không ?

GIU-ĐA TA-ĐÊ-Ô,VỊ TÔNG ĐỒ TRUNG KIÊN
(Ga 14,22)
Tôi vẫn còn nghe văng vẳng câu nói của một anh bạn:
"Chúa không bao giờ làm phép lạ để tặng thưởng cho sự bê bối của chúng ta. Những gì thuộc về nhiệm vụ của chúng ta, nếu chúng ta không làm, chúng ta sẽ để lại một lỗ trống trong Nhiệm Thể, lỗ trống đó sẽ tồn tại đến muôn đời để chứng tỏ rằng chúng ta thiếu tình yêu..."
Vâng, một khi người không chu toàn nhiệm vụ thì lỗ trống không có gì lấp đầy được. Đó là trường hợp xảy ra khi một Ki-tô hữu bỏ cuộc. Và điều này xảy ra rất thường. Nhiều người đi theo Chúa Giê-su, thế rồi, vì một lý do nào đó, không muốn tiếp tục nữa...
Nhưng có một Tông Đồ đã được chú ý đến nhờ lòng trung kiên. Về nhân vật này có nhiều điểm mơ hồ: Mát-thêu gọi ông là "Lê-bê-ô, tục danh là Ta-đê-ô." Mác-cô gọi ông là Ta-đê-ô, Lu-ca và Gio-an lại gọi ông là Giu-đa con của Gia-cô-bê... 
Sau khi Chúa Giê-su bị phản bội, tên gọi Giu-đa bị một vết đen, có lẽ vì thế mà Mát-thêu và Mác-cô không muốn dùng tên ấy. Dù sao thì Gio-an và Lu-ca vẫn gọi ông là Giu-đa, Giu-đa Ta-đê-ô để phân biệt với Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, và chúng ta cũng sẽ gọi ông như thế...
Giu-đa Ta-đê-ô là một Tông Đồ trung kiên.
Vì sao lại mệnh danh như thế ?
Một Giu-đa bỏ rơi Chúa, phản bội và nộp Ngươì cho kẻ thù.
Giu-đa kia không bỏ cuộc,
Ông không phản bội,
Ông vẫn trung tín, bền đỗ...
Điều đó cũng tạm đủ để gọi ông là một Tông Đồ trung kiên.
Nhưng còn một lý do khác:
Một lần Giu-đa Ta-đê-ô được Phúc Âm nhắc đến,
Nhắc đến chỉ một lần duy nhất.
Lần duy nhất đó giúp chúng ta tìm hiểu về ông.
Lần đó ông đã đặt một câu hỏi.
Bối cảnh: Bữa Tiệc Ly
Thời gian: Sau bữa ăn
Vấn đề: Tương lai của các Tông Đồ
Lời dạy dỗ: Sau khi sống lại, Chúa Giê-su sẽ gửi Thánh Thần đến với họ, họ sẽ nhận ra, nhưng thế gian lại không nhận ra...
Giu-đa Ta-đê-ô nghe chăm chỉ 
trong ba năm trung thành theo Chúa.
Ông tin tưởng, phó thác, thinh lặng...
Nhưng giờ đây, sắp có sự đổi thay,
Ông muốn biết trước mọi sự cho rõ ràng,
để nhận diện ra Chúa Giê-su trở lại trong Thánh Thần, 
một hiện diện mà thế gian không thể cảm biết:
"Còn một ít nữa, thế gian không còn thấy Thầy,
Phần anh em, anh em thấy Thầy." ( Ga 14, 19 )
Thế nghĩa là làm sao ?
"Bấy giờ, Giu-đa, không phải Ít-ca-ri-ốt, hỏi người: "Thưa Thầy, làm sao Thầy lại chỉ tỏ mình ra cho chúng con, mà lại không tỏ ra cho thế gian ?" ( Ga 12, 22 ).
Một câu hỏi như thế thì làm sao trả lời ?
Bạn thử nghĩ xem phải trả lời làm sao ?
Làm thế nào để giải thích dòng điện cho một em bé lên năm ?
Làm thế nào một khoa học gia giải nghĩa cho quần chúng hiểu nguyên lý của một động cơ nguyên tử ?
Làm thế nào chúng ta có thể am tường được 
thể thức Chúa tỏ mình ra cho chúng ta ?
Chúa Giê-su không hề giải thích, Người trả lời đại ý như sau:
Con hãy làm điều này thì việc nọ sẽ xảy ra...
Con hãy vặn nút này thì bóng đèn đầu kia sẽ sáng...
"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy,
Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
Và chúng ta sẽ đến với người ấy..."
Và sẽ đặt chỗ ở trong người ấy..." ( Ga 14, 23 )
Trước khi Giu-đa hỏi, Chúa Giê-su cũng nói như thế,
Và khi Giu-đa hỏi thì Chúa cũng trả lời 
bằng cách lập lại câu nói của mình.
Chúa không nói một câu gì mới
vì không làm gì cho Giu-đa có thể hiểu nổi...
"Vì con yêu thương Thầy nên con sẽ giữ Lời Thầy,và vì Thầy và Cha Thầy yêu con nên sẽ đến ở với con."
Vậy, một trái tim nồng cháy tình yêu sẽ cảm nhận được Chúa.
Câu trả lời ấy là gì nếu không phải là một câu khuyến khích ?
Khuyến khích lòng trung kiên, sự bền chí...
Con đã yêu thương Thầy thì hãy bền đỗ yêu thương Thầy,
Con đã giữ Lời Thầy, hãy bền đỗ giữ Lời Thầy,
Và nếu con kiên trì, trung tín mà không bỏ cuộc,
Cha Thầy và Thầy sẽ đến ngự trong lòng con.
Tân Ước nói nhiều về lòng trung tín và bền đỗ, 
Đầy là điểm chính yếu trong Thư của Giu-đa. 
Đại để, Giu-đa đã nhắn nhủ:
Đừng đi lạc đường,
Đừng nghe lời những Tông Đồ giả,
Đừng ra ngoài đường lối Phúc Âm.
Hãy trung kiên với Đức Tin một lần duy nhất 
đã trao ban cho các thánh,
Hãy chiến đấu cho Đức Tin ấy,
Hãy nhớ lại những lời các Tông Đồ của Chúa chúng ta, 
Đức Giê-su Ki-tô,
Hãy xây dựng trên Đức Tin, 
hãy cố giữ lấy mình trong lòng tin của Thiên Chúa.
( xem Gđ 17. 21. 22 )
Chúng ta biết rõ tầm quan trọng của sự bền chí. Thế nhưng, làm thế nào để có thể bền chí ? Bí quyết ở đâu ? Làm thế nào để nên giống vị Tông Đồ trung kiên để luôn trung thành với Đức Tin ?
"Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy,
Cha Thầy và Thầy sẽ đến cư ngụ trong người ấy..."
Chúng ta hãy chu toàn điều kiện đó,
Đấy là cái trục mà mọi sự xoay quanh:
"Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy..."
Bất cứ ai chu toàn điều kiện đó đều có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa.
Để "yêu Chúa" thì phải "muốn yêu Chúa"
Sự bền chí đòi phải khát khao và khát khao mãi mãi.
Suy gẫm thường xuyên sẽ giúp ta bền đỗ,
Cầu nguyện thường xuyên sẽ giúp ta kiên trì.
Nếu chúng ta không quyết liệt chống lại
những phong ba bão táp làm tổn hại Đức Tin,
chúng ta sẽ mất Đức Tin.
Nếu chúng ta không chuẩn bị để chịu đựng đến cùng,
chúng ta sẽ gặp thất bại.
Nếu chúng ta không khát khao yêu Chúa,
chúng ta sẽ quên lãng Người.
Trôi theo dòng nước thì dễ, đi ngược với dòng mới khó,
Bỏ cuộc thì thật là dễ, cái khó là kiên trì tiếp tục...
Trong cuộc tranh chấp, người trì chí bao giờ cũng thắng.
Chúng ta phải trì chí giữ mình trong Tình Yêu Thiên Chúa.
Mà, muốn được trì chí,
Hãy bám chắc vào mục đích,
Hãy thẳng nhìn vào Chúa Giê-su,
Hãy thẳng nhìn vào đối tượng của Tình Yêu,
Hãy nhìn chăm chú vào Thầy mình 
thì mình sẽ muốn tiến tới,
Hãy nhìn chăm chú bạn mình 
thì mình sẽ không bao giờ phản bội.
Nhưng chúng ta cũng cần nhớ một điều là:
Tự ta, ta không làm được việc gì.
Một vị thánh như Phao-lô mà còn phải thốt lên:
“Điều tôi muốn thì tôi không làm,
Nhưng tôi lại làm điều tôi khinh ghét..." ( Rm 7, 15 )
Thế thì lòng khao khát bền đỗ của chúng ta 
cần thiết, nhưng chưa đủ.
Chỉ có Thiên Chúa mới giúp ta khỏi sa ngã,
Chỉ có Thiên Chúa mới giúp ta kiên trì.
Và cũng chính vì thế, sau khi Giu-đa khuyên:
"Hãy cố giữ mình trong Tình Yêu Thiên Chúa..."
Thì ông cũng viết thêm:
"Đấng có quyền phép giữ anh em khỏi sa ngã,
và cho anh em đứng vững, tinh tuyền,
trước vinh quang của Người, trong niềm hoan lạc,
Xin kính dâng Thiên Chúa duy nhất, Đấng cứu độ chúng ta,
Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta..." ( Gđ 24. 25 )
Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa. 
Chúng ta tin tưởng công ty điện lực cho ta ánh sáng,
Chúng ta tin tưởng bưu điện sẽ đưa lá thư của ta đi,
Ít ra chúng hãy tin tưởng ở Thiên Chúa như thế.
Tin tưởng vào quyền năng của Người.
Tin Tưởng, Phó Thác, Cậy Trông
Và Ý Thức Sự Hiện Diện của Người. 
Đó là điều Chúa Giê-su đã muốn nhắn nhủ với Giu-đa Ta-đê-ô,
Đó là câu trả lời Người dành cho một Giu-đa trung tín.
Và nếu chúng ta không thể nói gì thêm nữa về Giu-đa, chúng ta có thể kết luận:
Giu-đa đã trung tín đến cùng,
Giu-đa rao giảng về Chúa đến cùng,
Giu-đa rao giảng Lời Chúa hết sức nhiệt tình...
Về cuối đời, ông rao giảng ở vùng Ô-đét-xa ( Odessa ), Ác-mê-ni-a ( Arménia ) và Péc-xi-a ( Persia ). Truyền thống cho rằng ông tử đạo ở Péc-xi-a. 
Giu-đa đã kiên trì trung tín cho đến mãn đời...
Để kết thúc câu chuyện thánh Giu-đa, tôi nghĩ nên chép lại chuyện của Florence Chadwick, nữ lực sĩ đã bơi qua vùng biển Catalina đến được đất liền, khoảng cách 30 cây số ( Trích “Recueil d' exemples” do Ste-phane Berghoff viết ).
Cô nữ lực sĩ thuật lại: "Tôi là một người phụ nữ đầu tiên bơi khoảng đường này, cho nên hệ thống truyền hình theo dõi suốt cuộc hành trình 5 giờ 55 phút. Cuối cùng, người ta đã vớt tôi lên cách bờ chỉ có một cây số rưỡi. Đấy là lần đầu tiên tôi bỏ cuộc. 
Vài giờ sau, tôi nói với một ký giả: Không phải tôi bỏ cuộc vì mệt mỏi nhưng vì tôi bị lạnh cóng. Ông ta gật đầu, nhưng rồi tôi nói lên điều tôi đã muốn giấu: Tôi không muốn chạy lỗi, nhưng thú thật, nếu tôi thấy được đất liền đã đến gần thì chắc hẳn tôi đã thành công. 
Khi tôi bơi qua biển Manche lần đầu tiên, có lúc tôi ngỡ rằng mình không tiếp tục được vì kiệt sức. Tôi cũng lạnh cóng và chỉ muốn ra khỏi nước, nhưng ngay lúc đó cha tôi nhìn thấy đất liền và ra hiệu cho tôi. Tôi thấy bờ biển, niềm vui mừng cho tôi đủ nhiệt lượng và tôi chắc mình sẽ thành công. Chỉ cần đem hết sức, cố gắng để bơi về phía mục tiêu mà tôi thấy rõ trước mặt... 
Nhưng vùng biển Ca-ta-li-na ngày hôm nay lại dày đặc sương mù. Khi mẹ tôi và huấn luyện viên bảo tôi rằng đất liền đã ở gần kề tuy có bị khuất trong màn sương, tôi lại cho rằng họ muốn khuyến khích tôi, tôi không tin vì chính tôi không thấy bờ, còn người tôi thì đã lạnh cóng... 
Tôi đã quyết định sẽ bắt đầu lại, nhưng sự thất bại lần ấy đối với tôi là một niềm đau khôn tả. Tôi nhớ lại lời cha tôi dặn dò trước khi mất: "Điều hay có thể xảy ra từ bất cứ kinh nghiệm nào, miễn là ta chấp nhận với một trái tim cởi mở và một tinh thần cầu nguyện..." 
Suy nghĩ cho cùng, thất bại của tôi không phải do sương mù, tôi thất bại là vì đã để cho sương mù che khuất trái tim tôi, trí óc tôi và đôi mắt tôi... 
Ngày 20 tháng 9 tôi thử lại một lần thứ hai. Những khó khăn lần đầu vẫn còn đó, có lúc sương mù dày đặc đến nỗi không thấy thuyền hướng dẫn đâu nữa. Chúng tôi gặp cá mập đến ba lần. 
Cuối cùng tôi đã phá kỷ lục của những nhà bơi lội nam. Tôi bơi mau hơn họ hai giờ, và tôi cảm tạ Thiên Chúa đã giúp tôi thành công...
Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của tôi là nhận được lá thư của một bệnh nhân. Dù mang trong mình một chứng bệnh kinh niên, ông ta đã theo dõi tôi trên truyền hình, lần thất bại cũng như lần thành công. Ông nói rằng sự bền chí của tôi đã cho ông sức mạnh tinh thần để chiến đấu. Dù chưa tin rằng ông sẽ khỏi hẳn, ông vẫn biết rằng một ngày kia, chắc chắn ông cũng có thể nói: "Đất liền đã ở trước mặt".
Florence Chadwick đã bỏ cuộc ở lần bơi trước vì đã không tin tưởng lời của nhà dìu dắt.
Giu-đa Ta-đê-ô, trong cuộc đời của ông, chắc cũng đã có nhiều phen sương mù dày đặc, nhưng ông có một nhà dìu dắt mà ông biết không bao giờ lừa dối ông, đó là nhà dìu dắt Giê-su Ki-tô. 
Trong sương mù và trong đêm tối, Giu-đa nghe rõ mồn một tiếng nói nhắn nhủ cho ông, và cho cả chính bạn và tôi nữa đó:
"Ai mến Thầy thì giữ Lời Thầy,
Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
Và chúng Ta sẽ đến cư ngụ trong lòng..."

Tác giả bài viết: Trích "13 Người Thay Đổi Thế Giới"

Nguồn tin: thanhcavietnam.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây