Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

«Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha» (19.7.2017 – Thứ tư, sau Chúa Nhật XV Thường Niên)

Thứ tư - 19/07/2017 11:35
 

« Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha »
(
Mt 11, 25-27)

25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”.

  1. Niềm vui ca tụng

Trước hết, chúng ta hãy ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui với Đức Giê-su, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là « niềm vui vĩnh cửu » của Người. Niềm vui của Người đến từ việc đón nhận cách hành động của Cha với sự cảm phục và dâng lời ca tụng :

Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

Tương tự như Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã thốt lên trong Thánh Thần : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa » vì đã nhận ra « những điều cao cả » Người làm cho Mẹ, là « Nữ Tì hèn mọn » và tương tự như vậy, cho « những ai kính sợ Người », cho « mọi kẻ khiêm nhường », cho « kẻ đói nghèo », cho tôi tớ đau khổ của Người là Israen.

Và chuyển động ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui ca tụng Chúa Cha của Đức Giê-su, chỉ trọn vẹn, khi chính chúng ta cũng được Thánh Thần tác động (x. Lc 10, 21-22), để nhận ra cùng một cung cách hành động của Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và ca tụng Người trong niềm vui. Đó chính là con đường thiêng liêng, là « linh đạo » làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô. Và đây là linh đạo của mọi linh đạo, vì đến từ Kinh Thánh được hoàn tất nơi Đức Ki-tô.

 

  1. Lý do ca tụng

Đức Giê-su ca tụng Chúa Cha, vì Chúa Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Những người mà Chúa Cha và Đức Giêsu muốn mặc khải Nước Thiên Chúa cho, đó là những người bé mọn.

Vậy ai là những người khôn ngoan và ai những người thông thái ? Ai là những người bé mọn ? Và để xác định, chúng ta phải dựa theo tiêu chuẩn nào, dưới mắt ai hay đứng trên bình diện nào ?

  1. Những người bé mọn là tất cả mọi người chúng ta, vì con người chúng ta tự bản chất là bé nhỏ, bé nhỏ trong thân phận, điều này được cảm nhận nhất là khi chúng ta chứng kiến những người thân yêu của chúng ta qua đi, bé nhỏ đối với cộng đồng, bé nhỏ trong không gian, bé nhỏ trong thời gian, thật bé nhỏ trong vũ trụ bao la, và rất nhỏ bé trước Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta. Nếu chúng ta có cao vời kiểu này hay cao vời kiểu kia, khôn ngoan thông thái ở bình diện này bình diện kia, đó là vì mình tự phong cho mình hoặc chúng ta tự phong cho nhau một cách ảo tưởng.
  2. Những người bé mọn còn là mỗi người chúng ta trong tư cách là con Thiên Chúa, bởi lẽ « Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa ». Căn tính thần linh này được ghi khắc trong chốn sâu thẳm của chúng ta, dù chúng ta ý thức hay không ý thức. Chúng ta trở nên những người bé mọn, khi chúng ta đón nhận ơn gọi làm Con Thiên Chúa và sống ơn gọi này theo cách của Đức Giêsu, Người Con duy nhất của Chúa Cha.
  3. Những người bé mọn cũng là “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”, như chính Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng ngày mai. Thân phận con người chúng ta tự nó là một gánh nặng và chúng ta được mời gọi đến cùng Đức Giêsu và học với Ngài, để nhận được sự nghỉ ngơi. Đó là sự nghỉ ngơi mà loài người chúng ta hằng khao khát, như thánh Augustinô nói : « Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và con tim của chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa. » Thực vậy, những người thân yêu của chúng ta đang thật sự nghỉ ngơi trong Chúa.

* * *

Đức Giê-su nhận ra và ca ngợi cách hành động của Thiên Chúa Cha, bởi vì chính Người đã trở nên người bé mọn nơi mầu nhiệm Nhập Thể hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh.

  1. Hiệp thông và chia sẻ

Phần tiếp theo trong lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng vừa bày tỏ cho chúng ta những điều sâu kín nhất của mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha, và vừa bày tỏ cho chúng ta những điều sâu kín nhất của mối tương quan giữa Ngài và chúng ta. Những điều sâu kín nhất ấy cũng đồng thời là những điều an ủi nhất đối với chúng ta.

Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha ; cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

Ở đây, chúng ta tiếp tục được mời gọi ra khỏi mình, ra khỏi những vấn đề hay những bận tâm của mình để chiêm ngắm và ca ngợi sự hiệp thông trọn vẹn, cả ở bình diện sở hữu lẫn bình diện hiểu biết, nghĩa là hiệp thông sự sống, giữa Chúa Cha và Người Con là Đức Giêsu. Tuy nhiên, và đây là niềm an ủi lớn nhất cho chúng ta, sự hiệp thông trọn vẹn giữa Chúa Cha và Đức Giêsu không phải là một sự hiệp thông kín. Hiệp thông kín là hiệp thông chỉ có hai người với nhau thôi, không mở ra cho những người khác, như chúng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống. Nhưng, hiệp thông chỉ đích thực, khi đó là một hiệp thông mở rộng, hiệp thông chia sẻ. Và đây, Đức Giêsu muốn chia sẻ sự hiểu hiểu biết của Ngài về Cha cho con người chúng ta. Đó chính là sứ mạng của Ngài và đó cũng chính là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.

Nhưng ai là những người mà Người Con muốn mặc khải Chúa Cha ? Đó chẳng phải là những người bé mọn hay sao ? Bởi vì Cha nào Con nấy ! Sứ điệp đến từ lời của Đức Giê-su thật rõ và mạnh : để đón nhận, theo cách nói của K. Rahner, « sự tự thông truyền » (auto-communication) của Chúa Cha và Đức Giêsu, chúng ta phải là người « bé mọn », phải là bé mọn ngay vào lúc chúng ta chuẩn bị « làm lớn » hay đang “làm lớn” ở một bình diện nào đó !

* * *

Đức Giêsu đã là “người bé mọn”, vì thế Ngài là khuôn mẫu để chúng ta trở nên bé mọn; hay đúng hơn, chúng ta được mời gọi mặc lấy, mang lấy tâm tình trong Thánh Tâm của Ngài, Tin Mừng của Ngài, và chính bản thân Ngài để trở nên bé mọn với Cha, với nhau và với người khác.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây