Giáo Xứ Thánh Minh Winnipeg Canada

https://www.giaoxuthanhminh.ca


TRUNG THÀNH, NGOẠI TÌNH: CÁC LỜI KHUYÊN HỮU ÍCH CỦA MỘT NỮ TU DÒNG ĐA MINH

 

Sự bất trung là con đường không lối thoát, trên con đường này người phối ngẫu hay người tu sĩ bị lún sâu vào khi cuộc sống của họ không còn chân thành, chân thực, không còn cam kết. Một đời sống đã mất tất cả năng lực đầy cả hứa hẹn.

 

“Lý tưởng hóa là có cơ nguy không trung thành”. “Một quan hệ không muốn đặt tương lai ở một tầm mức quan trọng là ngoại tình”. Xơ Véronique Margron nói thẳng để bảo vệ sự trung thành. Và như thế mới được.

Nghệ thuật để có được sự trung thành thì thật khó vì nó đặt đương sự trước chính con người thật của mình với các yếu đuối, hạn chế và sự phức tạp của nó. Sự bất trung là con đường không lối thoát, trên con đường này người phối ngẫu hay người tu sĩ bị lún sâu vào khi cuộc sống của họ không còn chân thành, chân thực, không còn cam kết. Một đời sống đã mất tất cả năng lực đầy cả hứa hẹn.

Nữ tu Véronique Margron Dòng Đa Minh, thần học gia về luân lý, xơ vừa xuất bản quyển sách: Trung thành – Bất trung. Vấn đề gay go (Fidélité – Infidélité. Question vive, nxb  Cerf). Một lời nhắc lại bổ ích cho các việc tốt lành của một đời sống trung thực, đối diện với sự mập mờ của các ước muốn và sự trống rỗng của môi trường xung quanh.

Aleteia: Từ đâu xơ có ý tưởng viết một quyển sách về đề tài này?

Xơ Véronique Margron: Quyển sách này phát sinh từ sau bài diễn văn tôi đọc trong một lần đi hành hương ở Lộ Đức. Cử tọa gồm những người ly dị, chia tay nhau, ly dị và lập lại gia đình hoặc đang ở trong một tình trạng khó khăn. Tôi muốn đào sâu các vấn đề này vừa về mặt thiêng liêng, thần học và cả về mặt hiện sinh đã xảy ra, đôi khi làm xáo trộn và làm rắc rối cho một số người trong chúng ta.

Xơ nêu lên vấn đề ngoại tình vượt ra ngoài khuôn khổ của việc “lừa dối”. Chẳng hạn thiếu trao đổi cũng là một triệu chứng. Vấn đề này sẽ đi đến đâu và ngoại tình bắt đầu từ đâu?

Điều răn “Con chớ ngoại tình” có trong sách Đệ Nhị Luật, được đặt lại trong bối cảnh thần học đương nhiên làm cho người ta nghĩ đến việc đánh lừa người phối ngẫu của mình. Nhưng điều đáng chú ý ở đây, việc vi phạm điều răn, việc lừa dối lời cam kết kéo theo một vấn đề khác, đó là không nghĩ đến tương lai. Từ đó có thể bị cho là ngoại tình nếu một quan hệ không muốn đặt nặng đến tầm kích tương lai. Trách nhiệm chung của hai vợ chồng đòi hỏi phải cùng quan tâm đến tương lai chung chứ không phải chỉ tìm lạc thú trong thì hiện tại. Không hướng đến đàng trước mang hệ quả là hủy đi sự thỏa thuận chung, rút lại lời đã hứa.

Khi một cặp vợ chồng suy nghĩ đến những gì họ có thể nâng đỡ nhau trong một lúc nào đó của cuộc đời, họ phải xem trọng tầm rộng lớn của vấn đề. Ở đây không phải chỉ là “vi phạm hợp đồng hôn nhân” như người ta thường hay nói một cách xoàng xĩnh và tự do quá trớn. Có một chuyện khác quan trọng ở đây: đó là ý nghĩa của một cam kết thật sự của người này đối với người kia, cam kết cả thịt da và cả lời.

Như vậy “quan trọng là phải ý thức”: có các lựa chọn rõ ràng thay vì các lựa chọn vì chướng khí?

Đúng, theo tôi có một trọng lực của thịt da, không phải trong nghĩa nghiêm trọng nhưng vì thịt da luôn có một tầm cam kết hơn là chúng ta nghĩ. Thịt da không phải chỉ là khao khát tình dục, nó còn là cả một chuyện khác. Một cách tượng trưng, da của chúng ta nói lên câu chuyện của mỗi người, nó mang tầm quan trọng trong nó. Như thế cái gì dính đến cơ thể, trong lãnh vực tình dục, ước muốn, trao hiến thì mang một ý nghĩa lớn hơn là chuyện vi phạm đơn thuần về tình dục và thực tại. Cái gì chạm đến thân thể là chạm đến chúng ta và tham dự vào cuộc sống của chúng ta với người khác.

Xơ nhấn mạnh nhiều đến thân phận con người chúng ta: các quan hệ cần thiết giữa con người bằng thịt da chứ không phải chỉ đơn thuần tinh thần bị lý tưởng hóa. Xơ nhắc lại phải chấp nhận sự yếu đuối của mình. Đến điểm nào sự lý tưởng hóa về mình, về người khác làm cho chúng ta có nguy cơ bất trung?

Lý tưởng hóa tạo một cơ nguy bất trung vì thịt da tôi sống, kể cả trong cộng đoàn tu hành, không phù với lý tưởng mà tôi đặt ra. Nếu quan hệ của tôi chỉ xây dựng trên chỉ một hình ảnh được lý tưởng hóa, thì tôi sẽ không thể yêu người bằng thịt, bằng xương, họ luôn yếu đuối trước mắt tôi và làm hoen ố hình ảnh lý tưởng mà tôi có về họ. Một cách ngắn gọn, câu chuyện Công chúa Clèves cho chúng ta một ví dụ rõ hơn: người đàn bà này nhân cách hóa “bổn phận” của mình, bà lấy Hoàng tử Clèves, nhưng yêu quận công Nemours, ông này bị tổn thương sâu xa, ông không muốn mình bị lý tưởng hóa theo hình ảnh của bà, nhưng là con người bằng xương bằng thịt của mình. Sau khi chồng chết, khi không còn gì ràng buộc nhưng bà vẫn tiếp tục từ chối quận công Nemours, bà trung thành với hình ảnh lý tưởng “người vợ tốt”. Sự “trung tín tận căn” này có một cái gì của một sự “bất trung vào thực tại”, ngăn không cho bà yêu người tình của mình, cũng như yêu chính người chồng của mình.

Xơ cho tự do có một chỗ lớn trong sự trung thành của bà. Hiện nay, rất nhiều lý do tiêu hôn nơi người công giáo dựa trên sự thiếu trưởng thành, không có tự do hoặc không hiểu chính mình. Xơ nghĩ như thế nào?

Đối với Giáo hội, và đây cũng là một trụ nâng đỡ lớn lao cho xã hội, cam kết trong hôn nhân cũng như trong đời sống tu trì chỉ được xây dựng trên tự do. Tự do thỏa thuận là điều kiện ắt có để có bí tích hôn nhân. Không có thỏa thuận, không có bí tích. Tự do thỏa thuận phải được lượng định: hiểu các hệ quả của hôn nhân, hiểu đủ về chính mình và về người khác, đặt đức tin khi kết hôn trước mặt Chúa và trong Giáo hội… Như thế thỏa thuận đòi hỏi một khả năng cân nhắc tự do. Tuy nhiên, đối với mỗi người chúng ta, sẽ tự phụ khi cho rằng các lựa chọn của chúng ta là tự do hoặc hoàn toàn tự do như bầu trời không mây. Chúng ta được hình thành bằng chính cuộc đời mình, bằng giáo dục, bằng các điều kiện hoặc ngay cả bằng vô thức của mình. Nhưng không phải vì tất cả các chuyện này mà chúng ta không có tự do. Tự do là tất cả những gì chúng ta sống, chúng ta làm, chúng ta lượng định chứ không phải là cái gì ở bên ngoài. Khi thực hiện các tiến trình tiêu hôn, Giáo hội luôn tìm thực tế trong tự do này, và bí tích được làm trong tự do.

Xơ đưa ra một tiêu chuẩn để nhận định sự trung thành: điều làm cho sống động và ham muốn. Có phải là điều chính?

Đúng, đó là nền tảng. Trung tín là một đức hạnh và đời sống đức hạnh giúp chúng ta sống, tin, hy vọng và giúp chúng ta hoàn tựu. Đức hạnh không phải là chuyện khăng khăng. Đời sống đức hạnh sẽ sai mục đích khi đuổi theo đức hạnh chỉ vì đức hạnh, mà không xét đến sự thật của mối dây liên hệ với người khác. Như triết gia Vladimir Jankélévitch viết trong Khảo luận về các đức hạnh: “Trung thành vào chuyện xuẩn ngốc thì chẳng khác gì là làm thêm một chuyện xuẩn ngốc”. Trung tín là một đức hạnh trong chừng mực nó hỗ trợ cho một sợi dây liên hệ để sống, đó là một năng động mà người này kéo người kia, củng cố nhau và có tương quan qua về với nhau.

Triết gia Jankélévitch còn nói: “Quan trọng là trung thành với người mình yêu, trung thành vì tình yêu chứ không phải vì bắt buộc hay khổ hạnh”. Phải hiểu điều này trong nghĩa nào?

Trong cuộc hiện sinh, luôn có những bó buộc và khổ hạnh cần thiết. Nhưng cũng không thể yêu và trung thành suốt thời gian dài chỉ vì bó buộc hay chỉ vì tu tập khổ hạnh. Nguy cơ khi đó là chỉ thích cố gắng, chứ không yêu con người bằng da bằng thịt, cố gắng để khẳng định một ý chí rất mạnh: dù có giao động, có khổ sở cũng không lệch đi một xăng-ti-mét đường lối mình đã vạch. Ý chí toàn lực này có vẻ như đẹp tuyệt vời nhưng trước hết, nó là một ý chí sức mạnh.

Sự hy sinh bên ngoài nhưng thật sự không phải…

Đúng, một cách nào đó nó chứng tỏ mình có khả năng kiềm chế dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa. Như những người đến nói với bạn: “Tôi, tôi biết, suốt đời tôi, tôi sẽ trung thành”. Về phần tôi, tôi hy vọng tôi trung tín, trong lỗ hổng của các “bất trung hàng ngày” của tôi, trong việc đi tìm Chúa Kitô trong đời sống mà tôi đã chọn, chắc chắn chỉ có Chúa là người trung thành duy nhất. Trách nhiệm của tôi là phải trung thành, vì mong muốn và vì quyết tâm, để trung tín trong đời sống thật. Đó là sự trung tín phục vụ cho tình yêu chứ không phải tình yêu phục vụ cho sự trung tín. Sự cam kết của một cặp trước hết là xây dựng một tương lai chung, cá cược tất cả để tình yêu trường tồn với thời gian. Và chính đây, trung thành phục vụ cho dự án tương lai này, chứ không phải dự án phục vụ cho trung thành.

Giữa trung thành với chính mình và trung thành với người khác, làm sao tìm được thế quân bình?

Trung thành với chính mình, theo những gì tôi nghĩ cho chính cuộc đời của tôi, là ăn khớp với xã hội tôi sống, trong sự trao đổi trường kỳ. Chúng ta không xây dựng tháp ngà để có ngày chúng ta nói: “Bây giờ tôi khá vững mạnh, vậy tôi có thể hướng ra bên ngoài”. Chính qua da, biểu tượng che chở con người bên trong của chúng ta, làm cho chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Bạn không thể tách cái này ra khỏi cái kia, nếu không bạn sẽ không còn thở được.

 

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: gplongxuyen.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây